7 cách hỗ trợ học sinh, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc tập trung.
1. Đổi chỗ ngồi: nhiều lớp học thường có một “sơ đồ chỗ ngồi” không thay đổi gì trong cả học kỳ hoặc cả năm học. Trải nghiệm nhiều vị trí ngồi trong một phòng giúp các em điều tiết mắt, kết thân với những bạn khác nhau, tạo sự công bằng giữa HS cả lớp. Với những học sinh không chăm học, thích ngồi bên dưới để tránh tầm mắt kiểm soát của thầy cô, chuyển đổi chỗ ngồi sẽ tránh được điều đó và giúp các em tập trung hơn.
2. Đưa thêm nhiệm vụ: dường như luôn có một hoặc một nhóm học sinh luôn hoàn thành bài vở nhanh hơn phần còn lại. Sau đó, nếu không có thêm việc gì để làm các em này sẽ dễ mất tập trung và có khi còn “rủ” bạn khác mất tập trung cùng. Giáo viên nên giao thêm bài tập hoặc giao thêm nhiệm vụ (hướng dẫn các bạn khác chẳng hạn) với nhóm học sinh này.
3. Giải lao thường xuyên: Nếu bắt não bộ làm việc liên tục, khả năng tư duy, tập trung và ghi nhớ của não sẽ giảm dần theo thời gian. Những khoảng thời gian giải lao nho nhỏ giữa mỗi buổi học giúp học sinh được “refresh” đầu óc, thay đổi tư thế hoặc đơn giản là ra ngoài hít thở không khí để nạp lại 100% năng lượng trước khi quay trở lại học.
4. Giữ lớp học gọn gàng, bỏ những vật không cần thiết. Lớp học có thể được trang trí rất đẹp vào những dịp đặc biệt. Nhưng trong suốt cả năm, nhìn chung nên giữ lớp ở một trạng thái tối giản, những vật dụng xung quanh lớp (và cả những thứ ở ngoài sân trường) tưởng bình thường nhưng lại dễ trở thành những thứ rất thu hút với học sinh và dễ đưa tâm hồn các em “treo ngược cành cây” lúc nào không biết.
5. Giám sát đặc biệt: một số học sinh có các vấn đề về tâm lý, cảm xúc cần sự quan tâm, thấu hiểu hơn từ phía gia đình, nhà trường,.. Ngoài ra, lời khuyên và sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý, người có chuyên môn cũng cần thiết để học sinh được chỉ dẫn đúng cách.
6. Trò chơi “kích não”: khi rảnh rỗi thì nên làm gì để cải thiện khả năng tập trung? Giải câu đố, giải ô chữ, đoán từ tiếng anh, xoay rubik… đây đều là những hoạt động vừa giải tỏa căng thẳng vừa tốt cho khả năng tư duy và ghi nhớ của học sinh. Nếu không thích các trò chơi này, học sinh có thể tự do nghe nhạc không lời, vẽ tranh, tô màu… tùy sở thích của từng người.
7. Chia hoạt động, nhiệm vụ trong giờ học thành các phần nhỏ cũng giúp giáo viên dễ quản lý lớp học hơn. Giáo viên có thể chia câu hỏi cho các cặp, nhóm, sau đó yêu cầu các nhóm trao đổi câu trả lời với nhau để khuyến khích sự hợp tác và hỗ trợ giữa các HS.
Trần Thị Ngọc Anh.
(Nghiên cứu viên Page Giáo viên Hiện Đại).